Phát triển sản xuất nguyên liệu an toàn phục vụ chế biến, xuất khẩu nông sản

  04/01/2023

Việc phát triển sản xuất vùng nguyên liệu nông lâm thủy sản an toàn không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công tác chế biến, cung cấp nguồn thực phẩm có nguồn gốc truy xuất rõ ràng cho người dân Thủ đô, mà còn tạo điều kiện đáp ứng cần thiết cho xuất khẩu nông sản ra thị trường nước ngoài.

Phát triển sản xuất nguyên liệu an toàn phục vụ chế biến, xuất khẩu nông sản - Ảnh 1.

Hà Nội có nhiều vùng trồng rau an toàn, đáp ứng nguồn cung và nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn thành phố. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản đảm bảo nguồn cung, nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm phục vụ cho Thành phố và đẩy mạnh xuất khẩu, thời gian qua Sở đã tham mưu UBND Thành phố kế hoạch, chương trình gắn nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp với công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại, liên kết chuỗi, đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Nhằm phát triển các nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm phục vụ hoạt động chế biến, xuất khẩu nông lâm thủy sản, thời gian qua thành phố tiếp tục đẩy mạnh các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, gồm 35 vùng lúa, 104 vùng rau, 56 vùng cây ăn quả, 6 vùng chè, 66 vùng nuôi trồng thủy sản, 48 vùng chăn nuôi lợn trọng điểm, 15 vùng chăn nuôi bò sữa trọng điểm, 39 vùng chăn nuôi bò thịt trọng điểm… Đồng thời duy trì gần 1.700 ha diện tích VietGAp trồng trọt, trong đó diện tích rau đạt 429,6 ha, diện tích cây ăn quả đạt 446,7 ha, diện tích chè đạt 3 ha, diện tích rau hữu cơ của thành phố đạt hơn 100 ha. Thành phố triển khai 46 mô hình chuỗi sản xuất tiêu thụ rau an toàn áp dụng hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS) với diện tích 1.942 ha, chiếm 14% diện tích sản xuất rau của thành phố.

Bên cạnh đó, diện tích nuôi trồng thủy sản tương đối ổn định đạt 24 nghìn ha, trong đó 60 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn của thành phố với diện tích hơn 7.229 ha, trong đó có 16 cơ sở VietGAP nuôi trồng thủy sản, cho năng suất đạt từ 10-12 tấn/ha/năm.

Theo số liệu của Cục thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Hà Nội đạt 1,586 triệu USD, trong đó hàng nông sản thực phẩm đạt 797 triệu USD, tăng 14,2%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 789 triệu USD, tăng 16,9%, trong đó đa số các doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội đặt nhà máy tại Hà Nội và các tỉnh để thu mua nguyên liệu của các tỉnh, thành phố để đóng gói, xuất khẩu. Một số sản phẩm nông sản mũi nhọn của Hà Nội, có chất lượng cao và xuất khẩu đi các nước như: Nhãn muộn Đại Thành, huyện Quốc Oai xuất khẩu đi Mỹ; gạo hữu cơ Đồng Phú xuất khẩu đi Đức; rau Văn Đức xuất khẩu Hàn Quốc; chuối tiêu hồng xuất khẩu sang Trung Quốc…

Bên cạnh đó, công nghệ thiết bị, máy móc của các cơ sở chế biến nông sản của thành phố đã có nhiều tiến bộ, chủ yếu là công nghệ bán tự động chiếm 76,58%. Việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến chưa cao, có 8,16% số cơ sở chế biến nông sản có chứng nhận ISO 22000, HACCP và các tiêu chuẩn chứng nhận khác. Các đơn vị của Sở đã hỗ trợ 95 cơ sở xây dựng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế (HACCP) nhằm nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm cho các cơ sở chế biến nông sản. Đồng thời tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm hỗ trợ truyền thông, quảng bá, minh bạch thông tin, nguồn gốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh đến người tiêu dùng, điển hình là qua “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội” (check.hanoi.gov.vn).

Về ngành hàng chế biến gỗ, Hà Nội hiện có 256 doanh nghiệp và hàng nghìn cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ, chủ yếu phân bố trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống làm đồ mộc gia dụng, đồ thủ công, mỹ nghệ. Khối lượng gỗ, lâm sản tiêu thụ trên địa bàn thành phố rất lớn, mỗi năm khoảng 300.000 m3 gỗ các loại, hàng triệu cây tre, nứa và hàng nghìn tấn lâm đặc sản khác. Theo đó, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng khu sản xuất giống cây lâm nghiệp chất lượng, có giá trị kinh tế cao làm nguồn giống trồng thay thế diện tích rừng hiện đang trồng có giá trị kinh tế thấp, cải thiện nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp. Đẩy mạnh mô hình liên kết trong sản xuất kinh doanh từ trồng, chế biến, thị trường tiêu thụ và quảng bá sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ, nâng cao giá trị sản phẩm lâm nghiệp đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu.

Theo Sở NN&PTNT, sau thời gian tích cực triển khai công tác sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản, chính quyền, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn thành phố đã từng bước nhận thức đúng và đầy đủ về tầm quan trọng của công tác chế biến, hội nhập quốc tế, xuất khẩu nông sản, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu. Từ đó triển khai kịp thời các kế hoạch, chỉ đạo có tính chiến lược lâu dài, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản. Đồng thời hình thành các vùng sản xuất tập trung, các chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản có sản lượng tương đối ổn định, đáp ứng tốt nguồn nguyên liệu phục vụ hoạt động chế biến, xuất khẩu nông sản.

Công tác nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ trong và ngoài nước được thực hiện thường xuyên, hình thức đa dạng đã góp phần đảm bảo nguồn cung các sản phẩm nông lâm thủy sản, cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Phát triển nông sản chế biến, đẩy mạnh xuất khẩu

Phát triển sản xuất nguyên liệu an toàn phục vụ chế biến, xuất khẩu nông sản - Ảnh 2.

Nhãn chín muộn Đại Thành, huyện Quốc Oai là một trong những nông sản của Thủ đô xuất khẩu ra nước ngoài. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Tuy nhiên, hiện nay ngành chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhỏ lẻ chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Các cơ sở chế biến đa phần là cơ sở vừa và nhỏ, sản lượng cung cấp còn ít và chưa ổn định, sản phẩm sản xuất ra chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của thị trường. Bên cạnh đó, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp về bảo hộ và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp mới chỉ quan tâm đến vấn đề sản xuất, bán hàng mà chưa quan tâm vấn đề sở hữu trí tuệ, mặt khác giá trị của thương hiệu thường không được các doanh nghiệp đánh giá đầy đủ.

Ngoài ra, một số địa phương thực hiện quy hoạch vùng sản xuất vẫn còn lỏng lẻo, sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, Hữu cơ… Chất lượng nguyên liệu chưa đồng đều, tỷ lệ sản phẩm truy xuất nguồn gốc còn thấp nên phần lớn hiện vẫn được tiêu thụ tại các chợ, kênh tiêu thụ truyền thống của Hà Nội nhưng dưới hình thức không tem nhãn mác, không tiêu chuẩn chất lượng với giá khá thấp.

Vì vậy, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, định hướng phát triển trong năm 2023, Sở sẽ rà soát các cơ chế, chính sách liên quan, trên cơ sở đó tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách. Qua đó nhằm phát triển chế biến nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.

Đồng thời tập huấn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản về các quy định về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát thực phẩm xuất nhập khẩu. Hỗ trợ các cơ sở chế biến sản phẩm nông sản áp dụng hệ thống chứng nhận chất lượng quốc tế (ISO, HACCP, Halal …), nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu và thị trường trong nước; hỗ trợ cơ sở xây dựng thương hiệu, nhãn hiêu, xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm đối với các sản phẩm nông sản chế biến…

Phát triển mô hình chuỗi liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xúc tiến thương mại, bảo hộ sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng cao, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với nhu cầu thị trường và xuất khẩu.

Theo Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ

×

FanPage

ProPak Vietnam