Điểm sáng ngành công nghiệp chế biến – chế tạo Việt Nam Quý III/2024

  22/10/2024

Cùng ProPak Vietnam điểm qua tình hình FDI và tình hình phát triển của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại các địa phương trong Quý III/2024.


Vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI) vào thị trường Việt Nam tăng mạnh

Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tính đến ngày 30-9, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện trên 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%.

 

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục dẫn đầu, chiếm gần 63,1% tổng vốn đầu tư

Trong 9 tháng, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến – chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 15,64 tỉ USD, chiếm gần 63,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đáng chú ý, đã có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ rót vốn FDI vào Việt Nam trong 9 tháng qua. Singapore và Trung Quốc là 2 quốc gia đi đầu với tổng số vốn lần lượt là 7,35 tỉ USD và 3,2 tỉ USD.

Cùng ProPak Vietnam điểm qua những bản tin từ các khu vực đang có sự phát triển tích cực nhất trong ngành công nghiệp chế biến – chế tạo tại Việt Nam

Bắc Ninh

Tỉnh Bắc Ninh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho hơn 2.400 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 28 tỷ USD. Với môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn lao động tại chỗ và nhập cư lớn, Bắc Ninh đã và đang khẳng định được vị thế là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm, chất bán dẫn.

Từ đầu năm đến nay, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã gặp mặt, làm việc với nhiều doanh nghiệp FDI trên địa bàn nhằm chia sẻ, giải quyết những khó khăn như gặp mặt tổ hợp Samsung Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam tiêu biểu; thăm và làm việc với Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty TNHH Goertek Vina. Đồng thời, tổ chức tiếp và làm việc với Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam, Chủ tịch tập đoàn Goertek, Tập đoàn Johnson (Đài Loan – Trung Quốc), Tập đoàn Công nghệ CMC, Công ty Kine SIC Semi (Hoa Kỳ) đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại tỉnh.

Hồ Chí Minh

TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đăng ký FDI trong 9 tháng qua, với hơn 1,91 tỷ USD (chiếm 7,7%); dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 41,1%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm 70,5%). Hiện thành phố có 125 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư với hơn 13.000 dự án, tổng vốn đầu tư gần 90 tỷ USD.

TP. Hồ Chí Minh đang thừa hưởng những yếu tố quan trọng tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư quốc tế rót vốn như: cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội hơn mức mặt bằng thể chế của cả nước. “TP. Hồ Chí Minh có cơ chế đặc thù trong xây dựng đường vành đai, các tuyến cao tốc đồng bộ, hạ tầng giao thông liên kết vùng Đông Nam Bộ, liên kết với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nhằm mở rộng không gian kinh tế và tạo lợi thế về vị trí địa lý, chiến lược về hạ tầng kinh tế, logistics…” – ông Phan Văn Mãi – Chủ Tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định.

Quảng Ninh

Về số dự án, trong 9 tháng năm 2024, Quảng Ninh thu hút được 27 dự án mới với số vốn lên tới 1,6 tỷ USD, đồng thời có thêm 19 dự án tăng vốn với tổng số vốn 203 triệu USD, hai dự án góp vốn mua cổ phần trị giá 56 triệu USD. Tổng cộng, Quảng Ninh thu hút được 1,81 tỷ USD trong 9 tháng năm 2024. Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn sở hữu 197 dự án FDI còn hiệu lực, có 133 dự án thực hiện tại địa bàn các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 9,05 tỷ USD.

Nhiều dự án đã được triển khai như: dự án tấm silic đơn tinh thể và thanh silic đơn tinh thể quang điện Gokin Solar Hải Hà Việt Nam, tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà (huyện Hải Hà); dự án sản xuất vòng bi, thiết bị chuyển động tuyến tính tại Khu công nghiệp Sông Khoai Amata (thị xã Quảng Yên)…

Các dự án FDI năm nay đều là những dự án thế hệ mới, ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ sạch, hiện đại, thân thiện với môi trường đến từ các nhà đầu tư: Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc.

Hải Dương

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh thu hút được gần 350,5 triệu USD vốn FDI, bằng 89,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cấp mới 48 dự án với vốn đầu tư 214,5 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn cho 26 lượt dự án, với vốn tăng thêm 130,7 triệu USD. Các dự án FDI mới chủ yếu ở tập trung ở các khu công nghiệp mới như Đại An mở rộng, Phúc Điền mở rộng, An Phát 1…, với hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp chế biến – chế tạo, văn phòng phẩm.

Lai Châu

Sáng 13/10, UBND tỉnh Lai Châu đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2024. Tại Hội nghị, tỉnh đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 doanh nghiệp với số vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Cụ thể, 2 dự án thủy điện Là Si 1A và Nậm Ngà, 2 dự án trồng rừng cây Hông tại huyện Sìn Hồ và dự án trồng rừng công nghệ cao tại xã Nậm Cần.

Tỉnh Lai Châu cũng đã cấp giấy chứng nhận mã số cho 2 cơ sở trồng sâm Lai Châu và ký kết 12 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với nhiều nhà đầu tư trong các lĩnh vực như bất động sản, du lịch, cây ăn quả dược liệu, chế biến nông – lâm sản và tiêu thụ sản phẩm, với tổng quy mô đầu tư ước tính trên 3.000 tỷ đồng.

Phú Thọ

Với tiềm năng lớn về nông nghiệp, Phú Thọ đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Đến nay, đã có tới 150 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông nghiệp được cấp phép.

Trong đó có 6 dự án FDI, vốn đăng ký 56 triệu USD; 144 dự án DDI, vốn đăng ký 8.607,6 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất hơn 4.498ha. Các dự án này tập trung vào nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chế biến gỗ, rau củ quả đến chăn nuôi, trồng trọt, hứa hẹn sẽ tạo ra một làn sóng mới cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.


Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo – động lực tăng trưởng của nền kinh tế

Tháng 9 vừa qua, dù đối mặt với cơn bão số 3 (Yagi) nhiều thiệt hại về người, tài sản, hạ tầng kinh tế – xã hội ở các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng với những biện pháp khắc phục hậu quả kịp thời, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được kết quả quan trọng.

Theo Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2024 ước tính tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,47%; quý II tăng 8,78%; quý III tăng 9,59%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,76% (quý I tăng 7,21%; quý II tăng 10,39%; quý III tăng 11,41%), đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Nguồn: Số liệu từ Tổng cục Thống kê.

Còn theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2024 cho thấy: Có 34,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý II; 42,6% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 22,7% đánh giá gặp khó khăn (các chỉ số này tương đương với quý II). Dự kiến quý IV/2024, có 42,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III; 40,4% doanh nghiệp nhận định sẽ ổn định và 17,4% doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng cao: Lai Châu tăng 47,0%; Phú Thọ tăng 40,3%; Quảng Ninh tăng 28,4; Bắc Giang tăng 28,2%; Bà Rịa- Vũng Tàu tăng 22,7%; Thanh Hóa tăng 20,0%; Bình Phước tăng 17,5%; Quảng Nam tăng 17,4%; Hà Nam tăng 15,9%; Hòa Bình tăng 15,2%..

—-

Những dấu hiệu tích cực từ nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng chứng tỏ Việt Nam đã và đang trở thành một điểm đến đầu tư tiềm năng cho các quốc gia trên thế giới.

Với 17 năm đồng hành và phát triển cùng ngành xử lý, chế biến và đóng gói bao bì, ProPak Vietnam, triển lãm quy tụ hàng trăm nhà cung cấp nguyên vật liệu, công nghệ và dịch vụ hàng đầu thế giới phục vụ cho hơn 10 nhóm ngành: chế biến, đóng gói thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, in ấn, mã hoá, đánh dấu và ghi nhãn, hoạt động phòng thí nghiệm, kiểm tra và chuỗi cung ứng lạnh, logistics, lưu kho, cùng nhiều dịch vụ khác.

 

 

 

 

 

 

 

Triển lãm công nghệ xử lý , chế biến thực phẩm và công nghệ đóng gói bao bì công nghiệp

 

Doanh nghiệp đến với triển lãm sẽ có cơ hội trình làng những công nghệ / dịch vụ mới, tiếp cận đến các khách hàng tiềm năng. Đồng thời, khách tham quan sẽ có cơ hội khám phá các máy móc vận hành cỡ lớn, với những trải nghiệm chân thực như tại nhà máy ở ngay triển lãm.

Cùng đón chờ sự trở lại của ProPak Vietnam năm 2025 vào ngày 18 đến 20 tháng 3 tại Hall A và B1, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), 799 Nguyễn Văn Linh, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh.

Triển lãm ProPak Vietnam

Nguồn bài viết tổng hợp: Cafef, Báo cáo tình hình kinh tế – Tổng Cục Thống Kê, Ngành chế biến chế tạo động lực tăng trưởng – Tổng Cục Thống Kê, Báo Cần Thơ,Người Quan Sát, Báo Phú Thọ, Công Thương,Báo Đầu Tư

 

×

FanPage

ProPak Vietnam