Xu hướng bao bì ngành Dược nhằm tăng giá trị sản phẩm

  18/07/2023

Thị trường dược phẩm tại Việt Nam hứa hẹn những bước tiến dài trong tương lai. Chính phủ ra mục tiêu đến năm 2030 thuốc sản xuất trong nước đạt 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường. Sự phát triển này cũng tạo cơ hội lớn cho ngành bao bì trong nước, khi tỉ trọng bao bì dược phẩm chiếm 5-10%. Vậy các doanh nghiệp dược và bao bì có thể áp dụng những hướng đi nào để tăng giá trị sản phẩm?

Những con số tiềm năng của thị trường dược phẩm

Biểu đồ: Gia tăng nhu cầu đối với một số sản phẩm điều trị
  • Dược phẩm BMI Research dự báo giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ tăng đến 16,1 tỷ USD vào năm 2026, với tỷ lệ tăng trưởng kép lên tới 11%.
  • Theo nghiên cứu, người Việt Nam ngày càng chi nhiều hơn cho tiền thuốc, trung bình một người chi khoảng 6,7 USD tiền thuốc, và con số này đã tăng gấp 10 vào năm 2021.
  • Bức tranh quy mô dân số ở mức 100 triệu dân và tiếp tục tăng, số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 11,9%. Những con số này hứa hẹn ngành dược sẽ có một tốc độ tăng trưởng còn nhanh hơn nữa, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, nhận thức về việc chăm sóc sức khoẻ được đẩy lên một tầm cao mới.
  • Năm 2022, Việt Nam có 228 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn WHO – GMP (con số này năm 2017 là 2), trong đó có 12 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP cao như EU, PICs, JAPAN, TCA. Con số này cho thấy bước tiến vượt bậc trong ngành công nghiệp dược Việt Nam.
  • Hiện tại, dược phẩm nội địa chiếm 46% tổng giá trị tiền thuốc điều trị, chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường. Con số này tới năm 2030 sẽ tăng lên 80% và 70%.

Để hiện thực hoá những tiềm năng này, thị trường dược nội địa cần có những chiến lược trung hạn và dài hạn phù hợp với định hướng phát triển của Nhà nước, thị trường trong và ngoài nước để nâng cao năng lực. PGS. TS. Lê Văn Truyền cho biết, các doanh nghiệp trong nước có thể học hỏi các đơn vị trên thế giới về chiến lược tiếp cận thị trường, từ việc “quảng bá” sản phẩm, hay các hoạt động đồng hành cùng chính phủ  cơ quan nhà nước trong việc kiểm soát dịch bệnh và chủ động cung cấp dịch vụ y tế.

Sự tăng trưởng của ngành dược nội địa kéo theo sự phát triển cho ngành bao bì

Sự tiêu dùng tăng lên là yếu tố then chốt thúc đẩy việc sản xuất thêm bao bì. Tốc độ tăng trưởng của ngành bao bì khá ổn định với chỉ số tăng trưởng giai đoạn 2015-2020 là 13,4%/năm và duy trì ở cận mức này cho đến năm 2022. Theo thống kê sơ bộ tại Việt Nam, bao bì nhựa dược phẩm chiếm 5-10% ngành bao bì.

Trong ngành dược phẩm, bởi sự ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dùng, bao bì đóng vai trò rất quan trọng. Đây là một trong những loại bao bì có tiêu chuẩn khắt khe về sự an toàn.

Hơn nữa, với thực trạng dược phẩm trong nước mới chỉ dừng lại ở mức phù hợp quy định GMP và chưa có sự đầu tư so với các doanh nghiệp nước ngoài, cùng với đó là sự cạnh tranh trong ngành dược ngày càng gia tăng do các sản phẩm tương tự về chức năng điều trị ngày càng tăng. Ngoài đóng vai trò then chốt ảnh hưởng đến chất lượng thuốc và sức khoẻ, thiết kế và sản xuất bao bì sẽ làm tăng sự cạnh tranh, góp phần định vị và nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp nội địa.

Xu hướng bao bì trong ngành dược phẩm trên thế giới, áp dụng tại Việt Nam

Sang năm 2023, ngành dược cũng có rủi ro chịu tác động từ nền kinh tế suy thoái, phải đối mặt với một số rủi ro tài chính. Điều này thúc đẩy ngành dược thế giới và Việt Nam phải tìm ra những cách thức để phát triển, đồng thời, tiếp tục đạt được các mốc quan trọng về tính bền vững, bảo vệ sự an toàn của bệnh nhân. Thiết kế và phát triển bao bì sơ cấp và thứ cấp sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp thị trường dược phẩm toàn cầu đạt được những mục tiêu này.

Tăng cường sử dụng bao bì phân huỷ sinh học

Trong khi một số ngành công nghiệp, chẳng hạn như mỹ phẩm và thực phẩm, đã có những bước tiến dài trong việc sử dụng bao bì bền vững sáng tạo, thì ngành dược phẩm gặp nhiều khó khăn hơn khi áp dụng việc này. Trên hết, bao bì dược phẩm phải bảo vệ các loại thuốc chứa trong đó, tránh khỏi những tác động của các chất gây ô nhiễm sinh học, độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng và thậm chí cả oxy. Ngoài ra, tính năng an toàn bổ sung như cơ chế chống trẻ em, công nghệ chống hàng giả, có thể khiến việc tạo bao bì bền vững khó tiếp cận hơn, và đôi khi gây ra sự lãng phí.

Gần đây, chất thải nhựa đang cần được giảm thiểu, nhưng đây lại là chất liệu phổ biến nhất được sử dụng trong bao bì dược phẩm do tính chất của sản phẩm cần được bảo vệ kỹ lưỡng để chống va đập, rung, thủng hay những tác động của sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm.

Để tìm ra giải pháp bền vững hơn, các nghiên cứu về nhựa phân hủy sinh học và nhựa sinh học tái chế ngày càng nhiều với mục tiêu ứng dụng diện rộng.

Bao bì phân hủy sinh học là vật liệu mà các vi sinh vật như nấm, tảo và vi khuẩn có thể phân hủy trong vòng một năm. Một số vật liệu phân hủy sinh học phổ biến bao gồm bột ngô và nấm. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng rong biển có thể là một giải pháp thay thế tiềm năng cho bao bì sinh học bền vững trong ngành dược phẩm, thực phẩm và mỹ phẩm.

Ví dụ như hãng dược quốc tế Astellas Pharma đã tạo ra làn sóng bao bì từ mía vào năm 2021 – lần đầu tiên trên thế giới sử dụng nhựa làm từ sinh khối cho bao bì vỉ. Các vật liệu có nguồn gốc từ thực vật chiếm 50% nguyên liệu thô được sử dụng trong quá trình sản xuất trong khi vẫn mang lại chức năng bảo vệ và khả năng sử dụng tương tự cho người tiêu dùng.

Việc chuyển sang các vật liệu sinh khối có thể trở nên phổ biến hơn trong những năm tới khi công nghệ phát triển và nhu cầu của người tiêu dùng đối với các giải pháp thay thế bền vững tăng lên.

Ứng dụng công nghệ in 3D trong quá trình sản suất

Sự phát triển trong công nghệ in 3D đang giúp thu hẹp ranh giới thiết kế của cả bao bì thứ cấp và sơ cấp. Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dược phẩm Quốc tế, các nhà nghiên cứu cho rằng công nghệ in 3D có thể mang lại lợi ích cho các công ty dược phẩm và bệnh nhân trong vấn đề in bao bì thuốc cá nhân hóa. Công nghệ này cho phép các công ty dược phẩm có thể sản xuất các hộp đựng với liều lượng phù hợp, giảm số lượng thiết bị dư thừa và nguyên liệu, từ đó, tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

Đặc biệt, nhiều thương hiệu dược phẩm khác nhận thấy công nghệ in 3D cho phép các công ty thử nghiệm và loại bỏ các ý tưởng không đạt chuẩn trước khi đầu tư lớn.

Tăng trải nghiệm người dùng với thiết kế bao bì thông minh

Thị trường bao bì dược phẩm thông minh dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 9% vào năm 2025. Xu hướng bao bì thông minh chiếm lĩnh với 2 loại thiết kế chính:

  • Bao bì “chủ động”: là bao bì được thiết kế để phát hiện kịp thời sự thay đổi về môi trường bên trong và bên ngoài bao bì. Các thành phần dược phẩm rất dễ bay hơi và nhạy cảm, vì vậy bao bì sơ cấp phải nỗ lực để vượt qua những thách thức đáng kể về sự ổn định, đặc biệt là từ độ ẩm, oxy, hydrocacbon và các loại khí khác. Bao bì loại này thường được thiết kế và sản xuất với các loại mực thay đổi màu sắc, chất nhạy cảm bức xạ và chất tẩy oxy.

  • Bao bì thông minh tích hợp thông tin: việc triển khai mã QR trên chai, hộp đựng, bao bì vỉ, v.v. cho phép các nhà sản xuất cung cấp thông tin quan trọng cho người dùng một cách trực quan, tức thì và giảm thiểu những tài liệu dư thừa mà không ảnh hưởng đến các yêu cầu quan trọng về an toàn cho bệnh nhân. Mọi thông tin chi tiết về sản phẩm, khuyến nghị về liều lượng và cách bảo quản chỉ bằng cách quét mã cũng đã mang tới sự tiện lợi rất lớn khi cả nước có tới 63,8 triệu người bao sử dụng “smartphone”

Những xu hướng bao bì này phù hợp với những nỗ lực toàn cầu nhằm thúc đẩy tính bền vững, cá nhân hóa việc đóng gói thuốc và nâng cao trải nghiệm người dùng. Bằng cách nắm bắt những xu hướng này, ngành dược phẩm tại Việt Nam có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, đáp ứng các mục tiêu bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng và góp phần hiện thực hoá mục tiêu tăng số lượng sử dụng thuốc nội địa tới năm 2030.

Nguồn: daibieunhandan.vn | pharmaceuticalmanufacturer.media | insightaceanalytic.com | thesaigontimes.vn | vietnambiz.vn | hhbb.vn

×

FanPage

ProPak Vietnam