Thương mại điện tử đòi hỏi ngành bao bì tối ưu hóa chuỗi cung ứng

  28/11/2022

Thị trường bao bì nhựa cứng Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm ở mức 12,3%, dự báo đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2022.

Ông Nguyễn Ngọc Minh Thy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam dự báo xu hướng tương lai của ngành bao bì tại hội thảo. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Chiều 11/11, tại Hội thảo Thị trường bao bì – Thị trường hấp dẫn do Hiệp hội Bao bì Việt Nam (VINPAS) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho rằng, để chuẩn bị cho sự bùng nổ sâu rộng của thương mại điện tử đòi hỏi ngành bao bì, nhất là thiết kế bao bì tối ưu hóa cho toàn chuỗi cung ứng. Đồng thời, bao bì carton chiếm ưu thế, cơ hội cho bao bì nhựa mềm có thành phần tái chế.

Ông Khiếu Duy Hải, Giám Đốc Khối Dịch vụ Nghiên cứu thị trường và Tư vấn, FiinGroup phân tích, thị trường bao bì tại Việt Nam, gồm 4 phân khúc bao bì nhựa, giấy và carton, kim loại, thủy tinh. Thị trường bao bì nhựa cứng Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm ở mức 12,3%, dự báo đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2022, với động lực tăng trưởng từ ngành đồ uống, thực phẩm; đồ dùng gia đình và chăm sóc sức khỏe…

Còn thị trường bao bì nhựa mềm có hai nhóm sản phẩm là bao bì màng đơn và bao bì màng phức hợp. Thị trường sản phẩm này được thúc đẩy nhờ nhu cầu từ ngành thực phẩm đóng gói như: cà phê hòa tan, gia vị, xuất khẩu thủy sản..

Thạc sĩ Phan Thị Hòa Linh, Ủy viên Ủy ban khoa học và công nghệ Hiệp hội Bao bì Việt Nam cung cấp thông tin thị trường bao bì tại hội thảo. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Riêng thống kê tổng sản lượng bao bì giấy do Việt Nam sản xuất đạt 4,76 triệu tấn trong năm 2021 và 4,94 triệu tấn (dự kiến năm 2022). Bên cạnh đó, khối lượng tiêu thụ giấy bao bì đạt 5,2 triệu tấn năm 2021 và 5,5 triệu tấn (dự kiến năm 2022).

Dự báo tốc độ tăng trưởng tốt của nhiều ngành tại thị trường nội địa và xuất khẩu cũng mang lại cơ hội tăng trưởng lớn cho ngành bao bì Việt Nam. Thạc sĩ Phan Thị Hòa Linh, Ủy viên Ủy ban khoa học và công nghệ VINPAS đánh giá, với tốc độ tăng trưởng và bối cảnh cung – cầu hiện nay, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 9,5 – 10 tỷ USD trong năm 2022.

Theo đó, dự báo xuất khẩu tôm đạt khoảng 4,1 – 4,2 tỷ USD; cá tra 2,4 – 2,5 tỷ USD; hải sản 3,2 – 3,3 tỷ USD… Còn dự báo nông sản, trái cây Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới khi nhu cầu cùng xu hướng tiêu dùng vì sức khỏe tăng cao.

Theo một số doanh nghiệp, muốn nắm bắt cơ hội thị trường, ngành bao bì cần xây dựng tầm nhìn, giá trị cốt lõi, chiến lược; bộ tiêu chuẩn của doanh nghiệp làm cơ sở cho chuyển đổi số; đội ngũ nhân sự; chú trọng giữ vững và mở rộng thị trường… Song song đó, hiệp hội chủ động cung cấp và cập nhật thông tin; hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chương trình cụ thể như: thu hút đầu tư, kết nối xúc tiến thương mại…

Chuyên gia so sánh quy định hiện hành của Việt Nam về nguyên liệu tiếp xúc với thực phẩm trên góc độ quốc tế. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Hiện tại, các doanh nghiệp tái chế nhựa, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận những nguồn tín dụng xanh để mở rộng hoạt động sản xuất hoặc đầu tư nâng cấp công nghệ tái chế, nâng cao phẩm cấp sản phẩm nhựa tái chế. Đồng thời, việc đầu tư phát triển nhà máy tái chế như nhà máy tái chế nhựa, quy mô lớn tại Việt Nam gặp nhiều thách thức.

Trong khi đó, thị trường gặp khó trong việc đảm bảo đủ lượng rác thải nhựa đầu vào phục vụ cho hoạt động tái chế có hiệu quả, thiếu nhu cầu bền vững từ thị trường nội địa đối với sản phẩm nhựa tái chế… Do vậy, ngành bao bì phải sớm xây dựng và triển khai các quy định kỹ thuật về việc phân loại rác tại nguồn cũng như thu gom, vận chuyển và xử lý để đảm bảo sự liền mạch trong chuỗi cung ứng của ngành nhựa tái chế.

Hơn thế nữa, để tạo ra nhu cầu và thị trường cho sản phẩm nhựa tái chế nội địa, cần đưa ra những cơ chế khuyến khích như ưu đãi thuế VAT cho sản phẩm có hàm lượng nhựa tái chế hoặc quy định bắt buộc về việc sử dụng hàm lượng nhựa tái chế trong sản phẩm nhựa được sản xuất tại Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp, linh hoạt nâng cao năng lực tiếp cận thị trường thông qua xây dựng chiến lược tiếp thị, truyền thông thương hiệu, phát triển bao bì, nhãn mác phù hợp với phân khúc sản phẩm và thị trường mục tiêu…

Thị trường bao bì xanh tại Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai nhờ những quy định pháp lý mới về bảo vệ môi trường từ Chính phủ cũng như cam kết từ phía các nhãn hàng lớn. Ngoài ra, quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020 yêu cầu nhà sản xuất phải có trách nhiệm về tác động môi trường của sản phẩm trong suốt vòng đời của nó.

Hay có thể kể đến Luật Bảo vệ Môi trường 2020 quy định tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phân loại rác và chuyển đến nơi tập kết theo quy định; chế tài xử phạt vi phạm hành chính về phân loại rác theo quy định.

Liên quan đến xu hướng ngành, ông Nguyễn Ngọc Minh Thy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam cho hay, bao bì của tương lai không những cần đảm bảo những chức năng nguyên thủy như chứa đựng, bảo vệ, hỗ trợ kho vận… mà phải là bao bì có đa chức năng, thông minh và tạo ra sự khác biệt có thể thu hút khách hàng.

Ghi nhận trên bản đồ thế giới, ngành bao bì Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép CARG rất cao, dự kiến duy trì ở tốc độ 12,3%/năm đến năm 2023. Ngoài hai xu hướng là bền vững và chuyển đổi số, ngành bao bì còn được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng kinh tế, gia tăng dân số, nhu cầu người tiêu dùng về bao bì nhẹ – tiện dụng – dễ mang đi./.

Nguồn: bnews.

×

FanPage

ProPak Vietnam