Nâng cao năng lực chế biến nông sản

  16/01/2023

Quảng Ninh sở hữu vùng sản xuất nông sản khá dồi dào với 14 vùng trồng cây ăn quả cho sản lượng khoảng 4.500 tấn/năm; sản lượng khai thác thủy sản trung bình hằng năm đạt trên 145.000 tấn. Để tối ưu hóa lợi thế trên, việc phát triển cơ sở chế biến gắn với khu công nghiệp, theo chuỗi liên kết từ nuôi trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đến xây dựng thương hiệu luôn được tỉnh quan tâm đầu tư.

Công nhân Công ty CP Thủy sản BNA Ba Chẽ đóng gói hàu.

Công nhân Công ty CP Thủy sản BNA Ba Chẽ đóng gói hàu.

Theo đó, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, giải phóng mặt bằng, tạo vùng nguyên liệu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất… Điển hình như Công ty Cổ phần Thủy sản BNA Ba Chẽ, ngay từ năm 2017, đơn vị đã được chính quyền tỉnh và huyện Ba Chẽ tạo điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu, triển khai đầu tư nhà máy chế biến thủy sản tại Cụm Công nghiệp Nam Sơn (huyện Ba Chẽ).

Đến năm 2020, đơn vị đã lựa chọn đầu tư lĩnh vực chế biến các nhóm sản phẩm tươi đông lạnh, sản phẩm hấp đông lạnh, sản phẩm ướp muối và sản phẩm sống… Trung bình mỗi tháng, đơn vị thu mua từ 450-500 tấn thủy sản từ các huyện, thị lân cận. Đặc biệt, đơn vị đã đầu tư điều kiện cơ sở hạ tầng, quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn HACCP (Hệ thống quản lý chất lượng VSATTP dựa trên nguyên tắc phân tích mối nguy và kiểm soát tới hạn trong quá trình sản xuất thực phẩm đảm bảo an toàn cho đối tượng tiêu dùng). Vì vậy, các sản phẩm đều được kiểm soát chất lượng tối đa ngay từ khi lựa chọn nguyên liệu đầu vào tới thành phẩm đầu ra, đảm bảo giá trị cao nhất trước khi cung cấp cho thị trường và xuất khẩu.

Không chỉ các doanh nghiệp chú trọng chế biến nông sản, các địa phương cũng không ngừng tạo mọi điều kiện, thu hút doanh nghiệp đầu tư ở lĩnh vực này. Điển hình như ở Đông Triều luôn chủ động làm cầu nối, liên kết với các doanh nghiệp, HTX để chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Trong đó có các dự án quy mô lớn trong bảo quản, chế biến nông sản, góp phần nâng cao giá trị và tạo đầu ra bền vững cho nông sản địa phương như: Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco (Tập đoàn Vingroup); dự án chăn nuôi bò sữa của Công ty CP Sữa An Sinh…

Người dân huyện Bình Liêu phơi miến dong.

Người dân huyện Bình Liêu phơi miến dong.

Thông qua việc đầu tư khoa học, công nghệ, giá trị các mặt hàng nông sản đã nâng lên rõ rệt. Nhiều nông sản, nhất là sản phẩm OCOP, sản phẩm có thế mạnh của tỉnh ngày càng đứng vững, vươn ra các thị trường lớn nhờ đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chế biến, bảo quản. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 420 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản, 565 sản phẩm thuộc 5 nhóm tham gia chương trình OCOP. Trong đó có 267 sản phẩm được cấp chứng nhận hạng sao OCOP. Toàn tỉnh có 219 chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP.

Có thể thấy, sự phát triển của công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn Quảng Ninh đã góp phần làm chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh vẫn được cơ quan chuyên môn đánh giá chưa xứng với tiềm năng. Trong đó, khả năng chế biến đối với một số sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh còn hạn chế, công suất chế biến chưa đáp ứng được nhu cầu. Một số doanh nghiệp chế biến nông sản còn hạn chế về vốn, công nghệ, thiết bị, lao động có tay nghề cao, năng lực quản lý…

Để nâng chất nông sản chế biến, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 260/KH-UBND (ngày 7/11/2022) về phát triển chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản gắn với thúc đẩy phát triển thị trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, tốc độ gia tăng giá trị lĩnh vực chế biến nông sản bình quân đạt 6-7%/năm; tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao đạt trên 15%; tổn thất sau thu hoạch các nông sản chủ lực giảm từ 0,3-0,5%/năm; tăng từ 20-30% cơ sở chế biến nông sản đảm bảo đúng quy định về an toàn thực phẩm, có áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến HACCP, ISO… đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Đến năm 2030, tốc độ gia tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến đạt 7-8%/năm; tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao đạt trên 30%; 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp được ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm; 100% cơ sở sơ chế, chế biến sâu các sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu đạt trình độ, năng lực công nghệ trung bình khá trở lên; hình thành, hỗ trợ phát triển khoảng 15 khu/cơ sở chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh, cho biết: Để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp quan trọng. Cụ thể như giảm chế biến thô và sơ chế, nâng cao tỷ trọng chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng; chú trọng nhóm sản phẩm thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thủy sản nhằm đa dạng hóa chế biến và thị trường tiêu thụ, phù hợp với thị hiếu, văn hóa tiêu dùng của từng thị trường. Ngành Nông nghiệp cũng sẽ rà soát, hoàn thiện, thực hiện chính sách về phát triển chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp; nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông sản chế biến; phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho chế biến và phát triển thị trường; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Theo Baoquangninh

×

FanPage

ProPak Vietnam