Công nghiệp chế biến “chìa khóa” nâng tầm giá trị nông sản

  17/08/2022

Cần nằm bắt cơ hội

Theo thống kê của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có hơn 150 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế trên 1 triệu tấn sản phẩm/năm, tập trung ở 28 tỉnh, thành phố. Tại Hải Dương, ngành công nghiệp chế biến có nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa phát triển xứng tầm. Sản lượng nông sản qua chế biến còn thấp.

Ông Phạm Xuân Thăng – Bí thư tỉnh Hải Dương giới thiệu sản phẩm rươi Tứ Kỳ

Hiện toàn tỉnh có 423 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, đây chính là cơ hội để Hải Dương phát triển ngành công nghiệp chế biến. Hải Dương là địa phương có nhiều vùng trồng rau màu quy mô lớn, tập trung. Đến nay, tỉnh cũng đã có nhiều chương trình, đề án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến.

Không ít nhà đầu tư đã tìm đến Hải Dương mong muốn được hợp tác chế biến nước ép ổi hay cà rốt để xuất khẩu. Hiện Hải Dương cũng có một số doanh nghiệp chế biến dưa chuột muối, hành sấy, cà rốt khô… Những sản phẩm này đã đứng được ở những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu…

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương, thực trạng chế biến nông sản ở Hải Dương còn nhỏ lẻ, manh mún và phân tán. Hầu hết nông sản của tỉnh chỉ đang được chế biến nhỏ, sơ chế, tỷ lệ nông sản qua chế biến rất thấp (mới đạt dưới 10%). Nguyên nhân của thực trạng này là do khối lượng nông sản của Hải Dương phần lớn đáp ứng nhu cầu trong tỉnh với số dân 1,8 triệu người. Phần dư thừa cung cấp cho các thị trường tiêu thụ rộng lớn lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Giá thành sản phẩm nông sản còn cao nên rất khó cạnh tranh trên thị trường thế giới; tập quán sản xuất cũ, lạc hậu, sản xuất phân tán, manh mún, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên khó tham gia thị trường xuất khẩu. Tập quán tiêu dùng của người dân vẫn là sử dụng nông sản tươi sống là chính. Tỷ lệ người sử dụng thực phẩm đông lạnh, thực phẩm chế biến còn rất thấp. Sản xuất, chế biến nông sản vốn là lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào khách quan không cho lợi nhuận cao nên khó thu hút các nhà đầu tư.

Điển hình như lúa gạo hằng năm có sản lượng rất lớn (khoảng 800.000 tấn), nhưng sử dụng trong nội tỉnh từ 500.000 – 550.000 tấn/năm. Lượng dư thừa khoảng 250.000 – 300.000 tấn chủ yếu được xay xát thành gạo và bán ngoài tỉnh, không thể có gạo xuất khẩu khối lượng lớn, trừ xuất khẩu gạo đặc sản (gạo nếp) qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Từ năm 2021 đến nay huyện Tứ Kỳ mới có thêm gạo ruộng rươi xuất khẩu.

Cây rau xanh với diện tích khoảng 35.000 ha thì vụ đông chiếm tới 25.000 ha. Cây rau vụ đông có tính thời vụ trong khoảng 3-4 tháng, khối lượng không đủ đáp ứng cho một nhà máy chế biến hoặc để xuất khẩu.

Tìm hướng đi cho công nghiệp chế biến nông sản

Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết: Đề án “Quy hoạch cơ sở bảo quản, chế biến nông sản tỉnh Hải Dương đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”, Hải Dương sẽ có 667 cơ sở chế biến thịt gia súc, gia cầm, 41 cơ sở sơ chế rau, củ, quả, 1.642 cơ sở chế biến rượu, 1.205 cơ sở sấy nông sản… Để đạt được mục tiêu này, trước hết cần phải quy hoạch ngành công nghiệp chế biến gắn với sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm tới sản lượng, chất lượng nông sản như những vựa cà rốt ở Nam Sách, Cẩm Giàng, rau vụ đông ở Gia Lộc, hành tỏi ở Kinh Môn; các vùng trồng ổi, vải ở Thanh Hà hay các vùng nuôi thủy sản tập trung ở nhiều nơi trong tỉnh cần được đầu tư bài bản, theo quy trình sản xuất sạch, hiện đại, có sản lượng ổn định và chất lượng tốt.

Cùng việc quan tâm đến chất lượng nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến, mối liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp phải được xây dựng bài bản, tránh tình trạng các doanh nghiệp chế biến trong tỉnh lại phải sang các địa phương khác thu mua nguyên liệu.

Tiếp đến, cần quan tâm tư duy sản xuất mới của nông dân, chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thành sản xuất tập trung để có khối lượng hàng hóa lớn. Những vùng này được áp dụng tiến bộ kỹ thuật và quy trình sản xuất sản phẩm an toàn thông qua hình thức liên kết sản xuất, tổ hợp tác hay HTX. Nông dân cũng phải tôn trọng hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Sản xuất, chế biến nông sản vốn là những ngành gặp nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp nên các doanh nghiệp chế biến nông sản rất cần sự trợ giúp của Nhà nước về khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất, vốn, đất đai, chính sách thuế…

Theo lãnh đạo Công ty XNK nông sản cho biết: Để hình thành cơ sở chế biến nông sản, tỉnh cần đầu tư một cơ sở chế biến nông sản, có vùng nguyên liệu đủ lớn và công nghệ chế biến phù hợp. Cùng với xây dựng nhà máy, cần phải xây dựng vùng nguyên liệu, được đặt trong quy hoạch chung của vùng. Công nghệ chế biến phải tiên tiến để có thể chế biến nhiều loại nông sản. Điều này sẽ hạn chế được tính mùa vụ của nông sản.

Cần nắm bắt được tâm lý tiêu dùng và nhu cầu thị trường. Việc bảo quản, sơ chế, chế biến phải tính đến cho mỗi loại sản phẩm và mỗi vùng thị trường ở nông thôn hay thành thị. Đối với các sản phẩm tham gia xuất khẩu còn phải nắm chắc nhu cầu, thị hiếu của quốc gia nhập hàng.

Được biết, trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết có nhiều ưu đãi đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường nhiều nước. Vì vậy, Hải Dương cần nắm bắt ngay cơ hội này để phát triển ngành công nghiệp chế biến, góp phần nâng cao giá trị nông sản.

Nguồn: thongtindoingoai.haiduong.

×

FanPage

ProPak Vietnam