Chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm nông sản

  04/01/2023

Nhiều năm nay ngành nông nghiệp Thanh Hóa luôn định hướng thu hút doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản để nâng cao giá trị cho sản phẩm. Từ những khuyến khích này cùng sự năng động của chính những chủ thể sản xuất, đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp được chế biến sâu, đem lại lợi ích nhiều mặt.

Từ các loại cây thảo dược, Hội LHPN xã Luận Thành (Thường Xuân) đã chiết xuất thành các sản phẩm hoá mỹ phẩm có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Lê Đồng

Với 3,5 ha đất đồi chuyên trồng keo và sắn cho hiệu quả kinh tế thấp, năm 2014 ông Đỗ Trọng Học ở thôn Vân Hòa, xã Cát Vân (Như Xuân) quyết định chuyển đổi và trồng thử nghiệm 1,5 ha cây mắc ca. Sau khi giống cây trồng mới khẳng định được hiệu quả trên vùng đồi địa phương, anh tiếp tục đầu tư để mở rộng thêm diện tích. Giai đoạn 2018-2019, vườn mắc ca khoảng 3 ha bắt đầu cho thu hoạch đại trà. Ban đầu, gia đình anh chỉ bán quả mắc ca thô qua các mối tiêu thụ tự tìm kiếm nên khá bấp bênh, thiếu tính bền vững. Tuy nhiên, những năm gần đây, anh đã nghiên cứu và tìm hướng đa dạng hóa sản phẩm trên vườn đồi để mở rộng thêm thị trường tiêu thụ. Với việc mua sắm hệ thống máy sấy, chủ vườn đã có thêm sản phẩm mắc ca sấy nứt vỏ, mắc ca nhân, gần đây là rượu mắc ca.

Tại vườn cây ăn quả này, những vụ gần đây gia đình anh Học còn phát triển đến 50 đàn ong để thụ phấn cho hoa mắc ca. Với mật ong có vị đặc trưng khác lạ, anh có thêm sản phẩm “mật ong mắc ca”, được bán rộng rãi ra thị trường. Như vậy, chỉ từ một cây trồng, ông chủ vườn sinh năm 1985, từng tốt nghiệp đại học sư phạm này đã chế biến sâu để phát triển thêm nhiều sản phẩm đưa ra thị trường. Đến nay, các sản phẩm từ vườn đồi đã được bán rộng rãi đi các thị trường trong và ngoài tỉnh, trong đó có chuỗi các cửa hàng thực phẩm sạch, các cửa hàng giới thiệu và bày bán các sản phẩm OCOP và nông sản đặc trưng vùng, miền xứ Thanh. Cùng với hoạt động chăn nuôi gia cầm dưới tán vườn, 2 năm gần đây gia đình có tổng thu nhập hơn 300 triệu đồng, trừ các chi phí vẫn còn lợi nhuận hơn 200 triệu đồng, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động thời vụ ở địa phương. Đáng nói, những sản phẩm của gia đình giai đoạn vừa qua không đủ cung ứng cho nhu cầu thị trường nên vợ chồng ông Đỗ Trọng Học đã liên kết, hỗ trợ kỹ thuật canh tác và nhận bao tiêu sản phẩm cho 10 hộ trồng mắc ca trong huyện với tổng diện tích 11 ha.

Tương tự, câu chuyện con ốc nhồi được chế biến thành nhiều sản phẩm thực phẩm tiện dụng có lẽ lâu nay chưa có tại Thanh Hóa. Bởi lẽ, những mô hình nuôi ốc nhồi trên địa bàn tỉnh trước đây chỉ xuất bán ốc tươi sống nguyên con, nên khó vận chuyển đi các tỉnh xa, càng khó khăn trong bảo quản lâu ngày. Với những hướng đi mới của mình, ông Bùi Văn Hải – chủ trang trại ốc nhồi ở thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) đã biến con ốc nuôi tại trang trại thành những mặt hàng có giá trị cao hơn, bước đầu được thị trường ưa chuộng như chả ốc, ruột ốc hút chân không, ốc trộn thịt nhồi ống nứa, ốc hấp nấm hương. Tất cả đều được chế biến sẵn, đóng trong những gói nhỏ gọn, cấp đông theo dạng thực phẩm đông lạnh, có bao bì nhãn mác, hạn sử dụng, mã truy xuất nguồn gốc…

Một góc trang trại nuôi ốc nhồi làm nguyên liệu chế biến sâu các sản phẩm mới từ ruột ốc ở khu phố Phong Lượng, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương).

Theo chia sẻ của ông Hải, với diện tích ao nuôi ốc nhồi lên tới cả ha, sản lượng ốc hằng năm của trang trại rất lớn. Nhiều năm trước, ngoài bán ốc giống thì hoạt động bán ốc thịt thương phẩm với hàng chục tấn nên luôn bị động và phụ thuộc vào khách hàng. Nhằm đa dạng hóa sản phẩm cũng như có sự chủ động hơn trong phát triển thị trường cho sản phẩm ốc nhồi, từ năm 2020 ông đã mua máy tách vỏ ốc, tạo ra sự thay đổi cho khâu chế biến. Với quy trình sản xuất sạch, các sản phẩm chế biến sâu từ ốc đã được kiểm định và chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm, năm 2022 đem lại thu nhập thêm cho trang trại 1 tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh những năm gần đây, cây sâm Báo từ chỗ là cây bản địa trên núi Báo thuộc huyện Vĩnh Lộc, thì nay được mở rộng thêm nhiều mô hình canh tác trên nhiều địa hình. Được coi là cây dược liệu quý, nhưng mỗi dịp thu hoạch sâm vào cuối năm người trồng sâm chủ yếu bán củ tươi và một phần ngâm rượu. Áp lực của việc tiêu thụ theo thời vụ là rất lớn, bởi sâm tươi chỉ để được trên dưới 10 ngày, nếu không tiêu thụ kịp sẽ hỏng. Mong muốn có nhiều sản phẩm từ cây trồng quý này, lại có thể cất trữ sản phẩm lâu ngày, những năm 2018, 2019 bà Nguyễn Thị Vân, Giám đốc HTX Sản xuất và Thương mại Vinaco ở TP Thanh Hóa đã liên kết với một đơn vị tại huyện Triệu Sơn để mua và vận hành máy sấy dẻo và thử nghiệm nấu cao sâm. Từng bước đúc kết kinh nghiệm, đến nay đơn vị đã có thêm những sản phẩm mới của cây sâm Báo, có thể bảo quản mát để bán quanh năm. Cùng với sản phẩm rượu sâm Báo, HTX đã liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nhiều mô hình trồng sâm tại Ngọc Lặc, Quan Hóa, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc. Dự định cho tương lai, bà Vân còn mong muốn hợp tác với các đối tác để sản xuất kẹo sâm, trà sâm…

Gần đây, ông Nguyễn Văn Nam, chủ nông trại Vạn Hoa ở xã Nga Thạch (Nga Sơn) chuyên canh tác dưa vàng, dưa hấu, bí đao trong nhà lưới và nuôi ong mật, cũng đã phát triển thêm nhiều sản phẩm cho riêng mình. Thay vì bán sản phẩm tươi sống thường phụ thuộc vào thương lái, ông đã du nhập các loại máy về để sấy dẻo dưa vàng Kim Hoàng hậu, sấy lạnh bí đao thành trà… Có thể kể đến hàng chục ví dụ khác về lợi ích kép của việc đa dạng hóa sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh để phát triển thị trường, giải quyết thêm nhiều việc làm. Sau khi thành công trong việc “sáng tạo” ra các sản phẩm ở dạng chế biến sâu, những nông sản đều có thị trường rộng mở hơn, giá trị kinh tế cao hơn nhiều.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư nhà máy, dây chuyền chế biến nông sản chính là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp tỉnh nhà trong giai đoạn hiện nay. Toàn tỉnh đã có 7 nhà máy chế biến gạo, 58 nhà máy chế biến tre luồng, 158 nhà máy chế biến gỗ. Ngoài ra, hàng chục nhà máy và cơ sở chế biến rau, quả, thực phẩm. Nhiều nông dân, chủ cơ sở sản xuất cũng hưởng ứng vào khâu chế biến để đa dạng hóa sản phẩm nông sản, phát triển thị trường cho sản phẩm.

Theo Baothanhhoa

×

FanPage

ProPak Vietnam